Các thắc mắc về thuế & kế toán thường gặp của Khách hàng trong năm 2024 - Tư vấn và Giải đáp

Các thắc mắc về thuế & kế toán thường gặp của Khách hàng trong năm 2024 - Tư vấn và Giải đáp

Câu hỏi 1: Chi phí bảo hành năm 2023 chúng tôi hạch toán dự phòng 500tr nhưng năm 2024 ký hồ sơ 200tr phần 300tr còn lại hoàn chi phí làm tăng thuế TNDN, vậy phần thuế này ghi nhận năm 2023 hay năm 2024?

Trả lời: 

Cơ sở pháp lý:

Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư 48/2019/TT-BTC:

“4. Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng: là dự phòng chi phí cho những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã bán, đã cung cấp hoặc đã bàn giao cho người mua nhưng doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện theo hợp đồng hoặc theo cam kết với khách hàng.”

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 48/2019/TT-BTC:

“1. Các khoản dự phòng quy định tại Thông tư này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị hàng tồn kho, các khoản đầu tư không cao hơn giá trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm.”

Theo khoản 4 Điều 7 Thông tư 48/2019/TT-BTC:

“…Hết thời hạn bảo hành, nếu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng không phải bảo hành hoặc số dự phòng phải trả về bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số dư còn lại được hoàn nhập vào thu nhập trong kỳ của doanh nghiệp…”

=> Như vậy việc book dự phòng bảo hành năm 2023 sẽ làm tăng chi phí 2023 và giảm thuế 2023, với mục đích sử dụng để bù đắp có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm 2024. Trong năm 2024 nếu doanh nghiệp không dùng hết số dự phòng bảo hành đã chi thì phải hoàn nhập chi phí và sẽ làm tăng doanh thu khác cho năm phải trả nợ. Nghĩa là mượn nợ hôm nay thì phải trả nợ cho ngày mai.

Như vậy trong năm 2024 còn số dư thì phải hoàn nhập vào thu nhập trong kỳ năm 2024 của doanh nghiệp.

Như vậy thu nhập trong năm 2024, thì sẽ tính thuế TNDN trong năm 2024.

Vậy phần thuế bị tăng lên sau khi hoàn nhập sẽ ghi nhận năm 2024.

 

Câu hỏi 2: Như vậy, có phải về mặt thuế thì năm nay trích nhưng năm sau hạch toán chênh lệch, nếu có. Còn về mặt kế toán thì những khoản chênh lệch (nếu có), phần điều chỉnh của năm nào tính cho năm đó đúng không? 

Trả lời:  

Cơ sở pháp lý về mặt kế toán:

Căn cứ điều 3 và điều 7, Thông tư 48/2019/TT-BTC, quy định về nguyên tắc chung, thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng như sau:

Điều 3. Nguyên tắc chung trong trích lập các khoản dự phòng 

1. Các khoản dự phòng quy định tại Thông tư này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị hàng tồn kho, các khoản đầu tư không cao hơn giá trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm. 

2. Thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm lập báo cáo tài chính năm. 

Điều 7. Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng 

4. Tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm, căn cứ tình hình tiêu thụ, bàn giao sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng và các cam kết bảo hành tại hợp đồng hoặc các văn bản quy định liên quan, doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này và các quy định sau: 

- Nếu số dự phòng phải trích lập cao hơn số dư khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã trích lập ở báo cáo năm trước đang ghi trên sổ kế toán, doanh nghiệp trích lập bổ sung số chênh lệch đó và ghi nhận vào chi phí trong kỳ. 

- Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã trích lập ở báo cáo năm trước đang ghi trên sổ kế toán, doanh nghiệp thực hiện hoàn nhập phần chênh lệch đó và ghi giảm chi phí trong kỳ. 

- Hết thời hạn bảo hành, nếu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng không phải bảo hành hoặc số dự phòng phải trả về bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số dư còn lại được hoàn nhập vào thu nhập trong kỳ của doanh nghiệp. 

Cơ sở pháp lý về mặt thuế:

- Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính như sau:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.19. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.

…” 

Ý kiến của chúng tôi:

=> Như vậy, thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho là thời điểm lập báo cáo tài chính năm. 

Trên cơ sở đánh giá lại giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho, các khoản đầu tư, cùng các khoản nợ tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm, nếu xảy ra các chênh lệch thì cần thực hiện trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập dự phòng theo hướng dẫn của quy định:

- Doanh nghiệp thực hiện đánh giá lại các khoản dự phòng vào thời điểm cuối năm, nếu số dự phòng cần phải trích lập cao hơn số dư đã trích thì cần trích lập bổ sung số chênh lệch đó vào ghi nhận vào chi phí trong kỳ báo cáo.  

- Nếu số dự phòng cần phải trích lập thấp hơn số dư đã trích thì cần hoàn nhập số chênh lệch đó và ghi giảm chi phí trong kỳ báo cáo. 

=> Vậy trong trường hợp số dự phòng đã trích lập > số thực tế chi thì cần phải hoàn nhập ghi giảm chi phí trong kỳ trong năm 2024. 

 

Câu hỏi 3: Điều kiện ghi nhận chi phí được trừ của chi phí thù lao Hội đồng Quản trị (HĐQT) của công ty.

Công ty được phép ghi nhận chi phí được trừ cho phần chi trả thù lao Hội đồng Quản trị (HĐQT), nhưng cần đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, bao gồm các công văn và thông tư mới nhất liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các khoản chi phí liên quan đến thù lao bao gồm nhiều thành phần khác nhau, phản ánh toàn bộ chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả cho các thành viên hội đồng quản trị (bao gồm điều hành hoặc không điều hành). Các khoản chi phí chính liên quan đến thù lao cần được xây dựng chính sách, bao gồm:

- Tiền Lương và Thù Lao Cố Định

- Tiền Thưởng

- Phụ Cấp và Đãi Ngộ (ví dụ; phụ cấp đi lại và lưu trú)

- Chi Phí Bảo Hiểm và Phúc Lợi

- Chi Phí Hỗ Trợ Khác (ví dụ: Chi phí đào tạo và phát triển, tham gia các khóa đào tạo, hội thảo hoặc các chương trình phát triển kỹ năng dành cho các thành viên hội đồng quản trị). Những khoản chi phí này giúp nâng cao năng lực quản lý và quản trị của các thành viên.

Theo Thông tư 96/2015/TT-BTC, thù lao HĐQT là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng điều kiện:

- Liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh. 

- Được ghi nhận hợp lệ qua nghị quyết của HĐQT hoặc Đại hội đồng cổ đông. 

- Có đầy đủ chứng từ, hợp đồng lao động (nếu cần), và kê khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN). 

- Khoản thù lao không được vượt quá mức hợp lý so với quy mô và hoạt động kinh doanh 

Quy định thuế về chi phí được trừ khi chi trả thù lao HĐQT:

a. Đối với các thành viên điều hành xây dựng chính sách liên quan đến thù lao: 

- Thù lao của hai thành viên điều hành có thể được điều chỉnh để phản ánh công việc quản lý thực tế. Tuy nhiên, cần đảm bảo mức thù lao hợp lý và tương xứng với vai trò, trách nhiệm. 

- Thù lao này phải được ghi nhận rõ ràng trong Nghị quyết HĐQT hoặc Đại hội đồng cổ đông.

- Mức chi trả nên phù hợp với quy mô và hoạt động của công ty, tránh tình trạng bị cơ quan thuế đặt nghi vấn. Mặc dù, quy định không đề cập tỷ lệ, nhưng theo quan sát của chúng tôi trên thực tế, tổng chi phí mức thù lao chi trả HĐQT (bao gồm chuyên trách và không chuyên trách) không nên vượt quá 10% của tổng lợi nhuận trước thuế.

- Thuế TNCN: vẫn tính thuế TNCN.

b. Đối với các thành viên không chuyên trách điều hành 

- Mặc dù các thành viên không điều hành không trực tiếp tham gia kinh doanh, công ty vẫn có thể chi trả thù lao với tư cách là thành viên HĐQT về mặt kế toán. Tuy nhiên, chi phí này không được trừ khi tính thuế TNDN.

- Chi phí thù lao này cần được ghi nhận đầy đủ qua nghị quyết HĐQT hoặc Đại hội đồng cổ đông. 

- Mức chi trả nên phù hợp với quy mô và hoạt động của công ty, tránh tình trạng bị cơ quan thuế đặt nghi vấn. Mặc dù, quy định không đề cập tỷ lệ, nhưng theo quan sát của chúng tôi trên thực tế, tổng chi phí mức thù lao chi trả HĐQT (bao gồm chuyên trách và không chuyên trách) không nên vượt quá 10% của tổng lợi nhuận trước thuế.

- Thuế TNCN: vẫn tính thuế TNCN.

 

Câu hỏi 4: Hiện công ty chưa có giấy phép kho, công ty muốn thuê một đơn vị khác có chức năng thuê kho bãi vậy bên công ty không cần xin giấy phép kho, khi nào có đoàn kiểm tra bên tôi sẽ cung cấp hợp đồng và chứng từ chứng minh có thuê đơn vị này để chứa hàng (với mục đích có hàng tồn kho có nơi chứa hàng)? 

Trả lời: 

- Theo quy định tại Nghị định 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính Phủ về kinh doanh dịch vụ logistics, và Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính Phủ về quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy  khi kinh doanh kho bãi:

- Nếu doanh nghiệp chỉ thuê kho để lưu trữ hàng hóa thông thường (không phải hàng hóa đặc biệt như: hóa chất, thuốc, thực phẩm...) thì doanh nghiệp không cần phải xin giấy phép riêng vì đã sử dụng kho thuê của đơn vị khác.

- Đơn vị cho thuê kho bãi chịu trách nhiệm về các yêu cầu pháp lý liên quan đến kho (như giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn,…)

- Theo hướng dẫn tại Công văn 7624/CT-TTHT ngày 27/02/2019 của Cục thuế Tp.Hà Nội về chính sách thuế TNDN đối với chi phí thuê kho chứa hàng để lưu giữ hàng hóa của công ty phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu hoạt động thuê kho nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty (ngoài ra văn bản thuế không đề cập gì đến điều kiện giấy phép kho như phân tích ở ý trên).

“Trường hợp Công ty phát sinh hoạt động thuê kho chứa hàng để lưu giữ hàng hóa của công ty phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan thì khoản chi phí thuê kho này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu hoạt động thuê kho nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty và chi phí thuê kho đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC nêu trên.”

- Do đó, Công ty cần chuẩn bị hồ sơ khi có đoàn kiểm tra để chứng minh việc sử dụng kho thuê là hợp pháp và phục vụ hoạt động kinh doanh thì các giấy tờ cần chuẩn bị, bao gồm:

+ Hợp đồng thuê kho bãi:

+ Ký kết với đơn vị cho thuê (kèm theo các giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân của đơn vị cho thuê).

+ Ghi rõ địa chỉ kho, thời hạn thuê, diện tích thuê, và mục đích sử dụng (lưu trữ hàng hóa).

- Chứng từ thanh toán thuê kho:

+ Chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính giữa DN và đơn vị cho thuê (hóa đơn VAT, biên bản bàn giao kho, ủy nhiệm chi/bằng chứng chuyển khoản).

- Chứng từ chứng minh hàng hóa được lưu trữ trong kho:

+ Hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng, hoặc các tài liệu liên quan đến hàng hóa đang lưu trữ tại kho.

- Chứng nhận pháp lý của đơn vị cho thuê:

+ Giấy phép kinh doanh (có ngành nghề kinh doanh kho bãi hoặc logistics).

+ Giấy chứng nhận PCCC (Phòng cháy chữa cháy) của kho.

 

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp sử dụng kho thuê như một địa điểm kinh doanh (ví dụ: nơi giao dịch hoặc bán hàng), cần đăng ký bổ sung địa điểm kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi hoạt động.

 

Câu hỏi 5: Chi phí ngân hàng và mua ngoại tệ hiện nay các ngân hàng xuất hóa đơn, nếu DN bỏ qua chỉ kê khai đúng số phí trên sổ phụ lấy phần phí bỏ qua thuế VAT, trường hợp này có cho là kê khai sai, sót và bị phạt không? (nghĩa là phí 22.000 đưa 22.000 vào chi phí không lấy 2.000 VAT).

Trả lời: 

Theo đó, tại Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 26/2015/TT-BTC và Thông tư 173/2016/TT-BTC), để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào thì cần đáp ứng điều kiện sau:

“- Phải có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào;

- Đối với các hàng hóa, dịch vụ mua vào có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”

Theo đó, doanh nghiệp chỉ được khấu trừ thuế GTGT khi có kê khai hóa đơn đầu vào.

Như vậy, kê khai hóa đơn đầu vào là quyền của doanh nghiệp, không kê khai hóa đơn đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp (không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng) nhưng đây không phải là hành vi trái pháp luật và cũng không bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện kê khai hóa đơn đầu vào.

=> Đối với trường hợp trên, Chi phí ngân hàng và mua ngoại tệ mà doanh nghiệp chỉ kê khai đúng số phí trên sổ phụ và không tách riêng VAT có nghĩa là không kê khai Thuế GTGT đối với hóa đơn này. Nếu không kê khai HĐ đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp vì không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhưng không phải là hành vi trái pháp luật và sẽ không bị xử phạt.

=> Đồng thời, luật quy định về quyền của doanh nghiệp khi phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra...(Căn cứ Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019).

(Công văn 2298/TCT-KK ngày 30/05/2024 của Tổng Cục thuế)

 

Câu hỏi 6: Hóa đơn NCC phát hành ngày 30/09, DN khai sang kỳ quý 4 tức tháng 10 vậy có bị kê khai sai, sót và bị phạt không?

Trả lời:

Căn cứ theo Khoản 8, Điều 14, Thông tư số 219/2013/TT- BTC ban hành ngày 31/12/2013 về nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào quy định như sau:

“- Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.

- Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế”

Theo quy định trên, thời hạn kê khai hóa đơn đầu vào được thực hiện trong kỳ tính thuế. Trường hợp sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện kê khai sót hóa đơn đầu vào thì được khai bổ sung tại kỳ tính thuế phát hiện hóa đơn bỏ sót. Trường hợp này được coi là trường hợp hóa đơn đầu vào kê khai muộn.

Ví dụ: Ngày 11/12/2018 Công ty phát hiện bỏ sót 1 hóa đơn đầu vào ngày 01/8/2018 chưa kê khai, số tiền là: 10.000.000 tiền thuế GTGT là: 1.000.000

=> Thì Công ty kê khai vào “Mục I - Hàng hóa, dịch vụ mua vào trong kỳ” trên tờ khai 01/GTGT của tháng 11/2018 (Vì hạn nộp tờ khai tháng 11/2018 là ngày 20/12/2018, nếu phát hiện vào ngày 21/12/2018 thì sẽ kê khai vào tháng 12/2018) nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế.

Cụ thể: Kê khai vào chỉ tiêu 23, 24, 25 của tờ khai 01/GTGT của tháng 11/2018 như sau:

Kê khai vào chỉ tiêu 23: 10.000.000

Chỉ tiêu: 24, 25: 1.000.000

=> Như vậy, trường hợp của công ty hóa đơn đầu vào ngày 30/9 được phép khai sang kỳ quý 4. Người nộp thuế sẽ kê khai vào “Mục I - Hàng hóa, dịch vụ mua vào trong kỳ” trên tờ khai 01/GTGT của kỳ tính thuế quý 4. Đồng thời người nộp thuế sẽ không bị phạt.

=> Bản thảo sửa đổi Luật thuế GTGT cũng đang theo ý trên.

[Cập nhật]: Luật thuế GTGT 48/2024/QH15 vừa mới ban hành cũng đã xác nhận theo quan điểm này.

Cơ sở pháp lý:

Một vài văn bản hướng dẫn cách kê khai hóa đơn đầu vào bị bỏ sót:

- Công văn 7445/CTQNA-KK ngày 04/10/2023 của Cục thuế tỉnh Quảng Nam về việc kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế GTGT;

- Công văn 2397/CTBNI-KKKTT ngày 27/06/2023 của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh về việc hướng dẫn kê khai hóa đơn đầu bị bỏ sót;

- Công văn 2546/TCT-CS ngày 22/06/2023 của Tổng Cục thuế về việc khai bổ sung đối với hóa đơn bỏ sót, hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn thay thế;

- Công văn 4955/TCT-KK ngày 06/11/2023 của Tổng Cục thuế gửi Cục thuế tỉnh Nghệ An về việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với hóa đơn đầu vào bị bỏ sót;

- Công văn 4954/TCT-KK ngày 06/11/2023 của Tổng Cục thuế phản hồi doanh nghiệp “Công ty TNHH MTV Pungkook Bến Tre” về việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với hóa đơn đầu vào bị bỏ sót;

 

Câu hỏi 7: Lưu trữ hóa đơn (invoice) nhà cung cấp nước ngoài 

- Vấn đề lưu trữ file PDF có ký đóng dấu của bên bán nhà nhập khẩu có được không, thay vì nhận bản cứng (bên công ty lưu email nguồn gửi PDF). Commercail Invoice có thể thay thế cho Invoice?

Trả lời: 

- Hóa đơn của nhà cung cấp nước ngoài áp dụng theo quy định về quản lý hóa đơn của nước sở tại và theo thông lệ thương mại quốc tế.

- Đối với bộ hồ sơ chứng từ để thanh toán, ghi nhận sổ sách kế toán và khấu trừ thuế: Commerial Invoice được phép thay thế cho Sales Invoice.

- Căn cứ theo các quy định hiện hành và thảm khảo một số công văn (tuy là phát hành vào các năm trước, nhưng quy định pháp lý ở điểm này không có sự thay đổi về nội dung đến thời điểm hiện tại). Khi đó, Công ty cần phải lưu trữ dạng bản cứng (hard-copy) của hóa đơn nhà cung cấp nước ngoài để ghi nhận sổ sách kế toán và chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/thue-phi-le-phi/cong-van-4721-tct-dnla-2017-su-dung-chung-tu-dien-tu-cho-muc-dich-ke-khai-nop-thue-366519.aspx

Câu hỏi 8: Liên quan giảm 20% thuế GTGT. Nếu mặt hàng chịu thuế VAT 10% nhưng người bán chỉ khai báo 8%, sẽ có rủi ro gì đối với người bán và người mua?

Trả lời: Người bán sẽ kê khai thiếu thuế GTGT đầu ra và phải chịu trách nhiệm nộp thêm thuế GTGT đầu ra, phạt vi phạm hành chính và tính lãi chậm nộp. Trong khi đó, người mua sẽ chỉ có thể được khấu trừ thuế GTGT đầu vào với mức 8%.

 

Câu hỏi 9: Nếu mặt hàng chịu thuế 8% nhưng người bán lại xuất hóa đơn với thuế suất 10%, thì sẽ có rủi ro gì?

Trả lời: Người bán sẽ vẫn khai báo và nộp thuế GTGT với thuế suất 10%. Trong khi đó, người mua sẽ chỉ có thể được khấu trừ thuế GTGT đầu vào với mức 8%. Nếu có chứng minh rằng người bán đã kê khai và nộp thuế theo thuế suất 10% trên hóa đơn, thì người mua có thể được khấu trừ thuế GTGT đầu vào với mức 10%, miễn là việc này được cơ quan thuế quản lý của người bán xác nhận.

 

Câu hỏi 10: Nếu trong một hợp đồng có mặt hàng áp dụng thuế suất khác nhau mà không tách ra được, nhưng người bán có ý định xuất hóa đơn với thuế suất 8%, thì sẽ có rủi ro gì?

Trả lời: Theo quy định hiện hành, nếu người nộp thuế bán nhiều loại hàng hóa và dịch vụ chịu các mức thuế VAT khác nhau, thì các mặt hàng phải được phân loại theo mức thuế VAT tương ứng. Nếu không phân tách, thì thuế suất cao nhất sẽ được áp dụng. Trong trường hợp người bán có ý định xuất hóa đơn với thuế suất 8% thay vì thuế suất cao nhất là 10%, sẽ có rủi ro kê khai thuế VAT thấp hơn thực tế, và người bán sẽ kê khai thiếu thuế GTGT đầu ra và phải chịu trách nhiệm nộp thêm thuế GTGT đầu ra, phạt vi phạm hành chính và tính lãi chậm nộp.

 

Câu hỏi 11: Hóa đơn đầu vào ngày 9/9 hóa đơn đầu ra ngày 6/9 vậy trường hợp này có bị phạt không? Hướng xử lý là mình xin NCC (nhà cung cấp) bổ sung lại biên bản giao hàng ngày 6/9, hóa đơn vẫn 9/9 có được thuế chấp nhận không?

Trả lời: 

Cơ sở pháp lý:

Căn cứ Tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn: "Điều 16. Lập hoá đơn . . .

2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hoá đơn

a) Tiêu thức “Ngày tháng năm" lập hóa đơn

Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hoá là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hoá cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”

Căn cứ tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN như sau:

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá từ từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt ".

Tham khảo Công văn 2731/TCT-CS của Tổng Cục thuế: “…mua nguyên vật liệu chính của nhà cung cấp trong tháng 1/2016 để phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng nhà cung cấp không lập hóa đơn khi giao nguyên vật liệu trong tháng 01/2016 mà tập hóa đơn vào tháng 02/2016. Công ty có các hồ sơ, tài liệu: báo giá, hợp đồng kinh tế và biên bản bàn giao trong tháng 1/2016 thì đề nghị Cục Thuế tỉnh Hà Nam kiểm tra thực tế việc mua bán hàng hóa của Công ty để có cơ sở hướng dẫn Công ty tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với số hóa đơn nêu trên nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định và phối hợp với cơ quan thuế quản lý nhà cung cấp để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm..”

Ý kiến của chúng tôi:

=> Theo quy định trên, trường hợp bên mua nhận được hóa đơn sau thời điểm giao hàng thực tế do bên bán xuất hóa đơn không đúng thời điểm giao hàng thì bên mua vẫn được khấu trừ thuế GTGT khi có đủ các hồ sơ, tài liệu: báo giá, hợp đồng kinh tế và biên bản bàn giao. Hóa đơn lập sai thời điểm là do lỗi của nhà cung cấp (bên bán).

- Còn đầu ra của KH thì sao? Xuất hàng stock-out và xuất hóa đơn đầu ra ngày 6/9, nhưng ngày 9/9 mới nhận hóa đơn đầu vào để stock-in. Đồng thời, theo thông tư 78 về hóa đơn điện tử thì phải xuất e-invoice cùng lúc với hàng hóa được giao.

Căn cứ hướng dẫn của cơ quan thuế: khi có đủ các hồ sơ tài liệu báo giá, hợp đồng kinh tế và biên bản giao hàng trong ngày 6/9 mà hóa đơn đầu vào ở ngày 9/9 thì vẫn được chấp nhận tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế .

 

Câu hỏi 13: Chi phí mua xe nâng của cá nhân. Bên công ty chúng tôi mua xe nâng với giá 70tr theo chúng tôi được biết hồ sơ để được tính thuế TNDN được trừ:

- Hợp đồng mua

- Chứng từ thanh toán

- Biên bản giao hàng

- Bảng kê chứng từ dịch vụ hàng hóa mua vào không hóa đơn mẫu 01/TNDN (ban hành theo Thông tư 78/2014/TT-BTC)

Trường hợp này mua hàng hóa dưới 100tr không có hóa đơn, vậy xe nâng có thuộc diện sang tên như xe ô tô không?

Nếu thu nhập của người bán trên 100tr/1 năm có thu nhập từ tiền lương tiền công (bao gồm bán xe nâng và tiền lương) phải làm quyết toán thuế TNCN trong năm không?

Trả lời:

1). Điều kiện ghi nhận Chi phí được trừ:

Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định:

“Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”

2). Cách ghi nhận chi phí hợp lý khi hàng hóa không có hóa đơn:

Căn cứ tại Điểm 2.4, Khoản 2, Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNDN quy định chi phí doanh nghiệp mua các hàng hóa, dịch vụ nhưng không lập bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

“….

- Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra.

- Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp trên) có mức doanh thu dưới doanh thu chịu thuế GTGT (100 triệu đồng/năm).

Bảng kê thu mua các hàng hóa, dịch vụ do người đại diện hoặc người được ủy quyền thực hiện ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực.

Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ lập Bảng kê và sẽ được tính vào chi phí được trừ.

Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Nếu tại thời điểm mua hàng, giá mua các hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường, cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại các chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”

3). Hồ sơ chuẩn bị để được tính thuế TNDN được trừ cho trường hợp mua xe nâng:

Cách xử lý để đưa vào chi phí này thành chi phí được trừ, DN cần chuẩn bị:

- Hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ (quy định về công chứng hay không, được trình bày ở ý tiếp theo)

- Chứng từ thanh toán: Trên 20 triệu nên chuyển khoản

- Biên bản giao hàng hóa;

- Bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào không có hóa đơn mẫu 01/TNDN (ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC).

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu (nếu có).

4). Trường hợp này là mua hàng hóa dưới 100 triệu không có hóa đơn, vậy xe nâng có thuộc diện sang tên như xe ô tô không?

Xe nâng được coi là thiết bị máy móc chuyên dụng trong sản xuất hoặc kho bãi, không phải là phương tiện tham gia giao thông đường bộ như ô tô.

Theo quy định pháp luật hiện hành: Xe nâng không được coi là phương tiện giao thông cơ giới dùng để di chuyển trên đường bộ như xe ô tô. Do đó, xe nâng không phải đăng ký sang tên, làm biển số tại cơ quan đăng ký phương tiện giao thông, trừ khi xe nâng tham gia giao thông trên đường công cộng.Tuy nhiên, nếu xe nâng được sử dụng lưu thông trên đường (ví dụ: qua đường công cộng để di chuyển hàng hóa), thì sẽ cần đăng ký và làm biển số giống xe ô tô được quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Thong-tu-24-2023-TT-BCA-cap-thu-hoi-dang-ky-bien-so-xe-co-gioi-559088.aspx

5). Nếu thu nhập của người bán trên 100 triệu/năm có thu nhập từ tiền lương, tiền công (bao gồm bán xe nâng và tiền lương), có phải kê khai thuế TNCN không?

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi Điều 2 Luật Sửa đổi các Luật về thuế 2014 và được sửa đổi bởi 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 thì thu nhập chịu thuế bao gồm:

- Thu nhập từ kinh doanh;

- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

- Thu nhập từ đầu tư vốn;

- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn;

- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản;

- Thu nhập từ trúng thưởng;

- Thu nhập từ bản quyền;

- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

- Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

- Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

- Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì thu nhập từ việc bán xe của cá nhân không kinh doanh không phải là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Nên cá nhân không cần nộp thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp này.

Ví dụ, để tham khảo một trường hợp tương tự về bán xe máy: https://thuvienphapluat.vn/ma-so-thue/bai-viet/ban-xe-may-co-nop-thue-thu-nhap-ca-nhan-khong-co-quan-thue-thong-bao-quyet-dinh-mien-thue-giam-thue-55702-181766.html

- Nếu thu nhập từ việc bán xe nâng được xác định là giao dịch một lần, không liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thì không cần kê khai khoản thu nhập này vào quyết toán TNCN. Vì vậy, vẫn phải thực hiện quyết toán thuế TNCN cho phần thu nhập từ tiền lương, tiền công theo quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC. Riêng thu nhập từ bán xe nâng (nếu kinh doanh không thường xuyên) sẽ không tính vào diện thu nhập chịu thuế.

- Nếu cá nhân không kinh doanh và chỉ bán xe một lần (không phải hoạt động kinh doanh thường xuyên), thì không cần tính VAT cho giao dịch này. Trong trường hợp này, thu nhập từ bán xe nâng sẽ không chịu thuế VAT.

6). Về hạch toán kế toán:

Theo điều 3, Thông tư 45/2013/TT-BTC:

Điều 3. Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định:

1. Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:

a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;

b) Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;

c) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.

Như vậy, đối với trường hợp xe nâng: được sử dụng trong hoạt động kinh doanh, có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên, và có nguyên giá từ 30 triệu đồng trở lên (bao gồm cả thuế và các chi phí liên quan, nếu có), thì được tính là tài sản cố định (TSCĐ) của doanh nghiệp.

Theo điều 10, Thông tư 45/2013/TT-BTC:

Xe nâng sẽ được trích khấu hao theo quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC, với thời gian trích khấu hao thông thường là từ 6-10 năm (theo nhóm thiết bị vận tải, máy móc thiết bị sử dụng trong sản xuất).

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-45-2013-TT-BTC-Che-do-quan-ly-su-dung-va-trich-khau-hao-tai-san-co-dinh-183508.aspx

 

-------------------------------------------------------------------------------------- The end [hết] -----------------------------------------------------------------------------------------

google driver
fanpage facebook
Facebook
0974452979